Cuộc chiến của sắc dục, thủ đoạn trong phim 'Mẹ chồng'
Phim mới của Thanh Hằng không dừng ở mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu mà mở rộng thành cuộc chiến giành quyền lực trong gia đình.
Câu chuyện trong phim Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng lấy bối cảnh ngôi làng Đại Điền giữa thế kỷ 20, xoay quanh cuộc sống nhiều đời của gia đình hội đồng Lịnh. Bà Hai Lịnh (Diễm My) khinh thường con dâu Ba Trân (Thanh Hằng) bởi không sinh được con nối dõi, sau đó cưới thêm cô Bảy Loan (Ngọc Quyên) cho con trai. Tuy nhiên, Ba Trân cuối cùng cũng sinh được con trai và dần nắm quyền lực trong gia đình.
Con trai của Ba Trân tên Hai Phước (Lâm Vinh Hải), mắc bệnh thần kinh nên dù đã lớn vẫn ngây ngô. Hai Phước có hai người vợ là nàng Tư Thì (Lan Khuê) dịu dàng và Tuyết Mai (Midu) - cô gái ngây thơ có lối sống hiện đại. Cả hai cô gái cũng chịu áp lực sinh con nối dõi tông đường. Bên dưới lớp vỏ giàu sang, những cơn sóng ngầm liên tiếp diễn ra trong gia đình này.
Tác phẩm không chỉ khai thác sự bất hòa giữa mẹ chồng - nàng dâu, mà mở rộng sang phong cách gần giống kiểu phim cung đấu của Hoa ngữ (các phi tần tranh giành quyền lực trong hậu cung) với biến thể là sự vắng bóng một vai nam uy quyền kiểu nhà vua. Các nhân vật nam, bao gồm người chồng và con trai của Ba Trân, cậu Thiện Khiêm (con trai của Bảy Loan), thiếu sức sống và dễ bị dẫn dắt. Trong khi đó, giới nữ tự làm chủ vận mệnh và sử dụng thủ đoạn để vươn lên. Họ vừa khát khao đứng trên đàn ông để giành địa vị, nhưng đồng thời vẫn phải gắn bó mật thiết với cánh mày râu để giành tình cảm và thực hiện chức năng sinh con nối dõi tông đường.
Theo mô-típ cung đấu, biên kịch phát triển các tình huống tình ái, đấu khẩu, lừa gạt, đe dọa nhau giữa các nhân vật. Hầu hết cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật trong phim đều chứa những lời thoại ám chỉ, đe dọa nhau.
Thanh Hằng trong "Mẹ chồng".
Tuy nhiên, sau phần mở đầu hứa hẹn, kịch bản càng về cuối càng rời rạc, bày vẽ nhiều tình tiết mà thiếu chiều sâu cho từng tuyến. Để bồi đắp cho đường dây chính đơn điệu, các nhân vật cố "gồng mình" để thể hiện mâu thuẫn trong từng cảnh đơn lẻ. Khi các cảnh này chắp nối liên tiếp, sự dài dòng trong phần thoại và tình huống dễ khiến khán giả mệt mỏi.
Ở khoảng 2/3 phim, tác phẩm có một loạt trích đoạn dài liên quan đến nhân vật chính, làm câu chuyện như lạc hẳn sang một tông khác, chuyển đổi gượng gạo từ kịch tính sang bi lụy và ngược lại. Ở cuối phim, thông điệp của cô Ba Trân để lại gây khó hiểu bởi không liên quan lắm đến tinh thần chung của phim. Ca khúc nhạc phim cũng khá hiện đại so với bối cảnh tác phẩm.
Phong cách của Midu và Thanh Hằng trong phim.
Phần phục trang của Mẹ chồng khá bắt mắt với các thiết kế làm nổi bật cá tính nhân vật. Ba Trân diện đồ tối màu với họa tiết và bông tai rắn làm nổi lên vẻ thâm độc. Trong khi đó, Tuyết Mai diện trang phục mang nét phương Tây, khác biệt với dàn nhân vật còn lại. Tuy nhiên, bởi là thiết kế cách tân, các mẫu quần áo này khó làm hài lòng những khán giả yêu cầu trang phục phải đúng với giai đoạn lịch sử của phim.
Trong dàn diễn viên, Thanh Hằng có nỗ lực nhất về biểu cảm khi thể hiện nhiều sắc thái của Ba Trân. Dù xuất hiện ít, Diễm My diễn tốt bằng ánh mắt. Trong khi đó, Lan Khuê, Ngọc Quyên và Midu khó thoát mác "người đẹp đi diễn" với phong thái khá cứng nhắc. Phân cảnh của các diễn viên này không rõ chất điện ảnh mà chỉ giống như một thứ hoạt cảnh được làm dày thêm về thoại. Một điểm trừ khác là tạo hình các người đẹp quá trẻ so với độ tuổi nhân vật. Nếu nhìn một khung hình bất kỳ mà không biết trước câu chuyện, có lẽ khó phân biệt sự chênh lệch thế hệ giữa lứa Thanh Hằng, Ngọc Quyên với nhân vật của Lan Khuê.
Trước ngày ra mắt, phim gây sốt với cảnh "nóng" của siêu mẫu và diễn viên điển trai Song Luân. Tuy nhiên, phiên bản ra rạp chỉ có nhãn 16+ chứ không phải 18+ và phần lớn cảnh nhạy cảm trong trích đoạn đã bị cắt.
Phim khởi chiếu từ ngày 1/12.
Post a Comment